Loạn thị chữa được không?

Loạn thị có thể chữa được hay không có lẽ là thắc mắc chung của rất nhiều người khi đây là một tình trạng khúc xạ phổ biến của mắt. Bệnh làm cho người bệnh nhìn vật bị mờ, nhoè. Tuy loạn thị không quá nguy hiểm nhưng nó có thể gây khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Vậy loạn thị có chữa được không và có những cách nào để điều trị hiệu quả? Hãy cùng Minh Nhã tìm hiểu trong bài viết này nhé!

1. Bệnh loạn thị có chữa được không?

Loạn thị không thể tự khỏi một cách tự nhiên nhưng có thể điều trị được. Thông thường, khi mắt bị loạn thị dưới 1 độ, tình trạng này gần như không có ảnh hưởng gì và bạn vẫn có thể nhìn rõ mọi vật do mắt của bạn có thể điều tiết để bù trừ. Khi ấy người bệnh sẽ cần có chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý, hạn chế làm việc bằng mắt để mắt đỡ phải điều tiết, cũng như giảm mỏi mệt.

Các trường hợp loạn thị từ 1 độ trở lên có thể gây khó chịu, nhìn mờ và đau đầu, đau nhức mắt do mắt phải điều tiết quá mức. Loạn thị trên 2 độ hoặc loạn thị 1 mắt nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thế dẫn đến nhược thị, đặc biệt ở trẻ nhỏ.

Chính vì vậy, khi có bất kỳ dấu hiệu nào của loạn thị, bạn cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt, để được thăm khám và điều trị.

loan-thi-chua-duoc-khong

2. Có thể chữa được bệnh loạn thị bằng phương pháp thay thế nào không?

Tuy loạn thị không thể tự khỏi, nhưng vẫn có nhiều phương pháp điều trị hiệu quả để khắc phục vấn đề này. Dưới đây là một số phương pháp phổ biến để điều trị loạn thị:

Đeo kính gọng

Được coi là phương pháp đơn giản, an toàn và tiết kiệm nhất so với các loại khác, đeo kính gọng là một giải pháp không can thiệp vào mắt. Tuy nhiên, bệnh nhân có thể nhìn mờ và khó chịu khi liếc mắt ở hai vùng ngoài kính.

Đeo kính tiếp xúc – áp tròng mềm

Đối với những người bị loạn thị, việc đeo kính áp tròng mềm sẽ giúp cải thiện tầm nhìn đáng kể. Loại kính này được áp sát vào tròng mắt nên mang lại tính thẩm mỹ cao. Tuy nhiên, người sử dụng kính áp tròng cần phải chú ý vệ sinh và thay mới kính đúng theo hướng dẫn sử dụng. 

Đeo kính áp tròng cứng – Ortho – K

Đây là một phương pháp điều trị loạn thị bằng cách sử dụng kính có thiết kế đặc biệt. Kính được đeo vào ban đêm trong khi ngủ (trung bình từ 6 đến 8 tiếng). Phương pháp này giúp điều chỉnh tạm thời hình dáng của giác mạc. Nhờ đó, người bị loạn thị không còn phụ thuộc nhiều vào kính gọng hoặc kính áp tròng mềm vào ban ngày. Tuy nhiên người bệnh phải tuân thủ tuyệt đối việc sử dụng kính và vệ sinh kính trước và sau khi đeo để tránh biến chứng viêm và nhiễm trùng.

Phẫu thuật tia laser

Phương pháp này sử dụng tia laser để định hình lại giác mạc triệt tiêu loạn thị. Đây là biện pháp duy nhất điều trị loạn thị triệt để tuy nhiên cần can thiệp phẫu thuật với chi phí cao hơn 3 phương pháp trên và thường chỉ định cho bệnh nhân từ 18 tuổi trở lên.

3. Kết luận

Tóm lại, loạn thị là một khúc xạ phổ biến của mắt có thể điều trị được. Các phương pháp điều trị loạn thị cũng vì thế mà rất đa dạng, bạn đọc có thể lựa chọn tùy theo điều kiện kinh tế hoặc chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là cần phát hiện và điều trị sớm để tránh biến chứng không mong muốn.

Xem thêm: Bệnh cận thị giả và cách nhận biết